1. U xơ tử cung (UXTC) là gì?

Tử cung là cơ quan được tạo thành bởi lớp cơ dày. Là nơi làm tổ và phát triển của trứng thụ tinh cho đến khi trưởng thành (chứa thai nhi).

Khối lượng tử cung thay đổi tùy thuộc vào:

- Giai đoạn phát triển của người phụ nữ (trẻ em thiếu niên - tuổi sinh sản - mãn kinh).

- Chu kỳ kinh nguyệt.

- Tình trạng thai nghén.

Bình thường, tử cung có kích thước 4 x 5 x 4cm, nặng 50g.

UXTC hay gọi u xơ cơ tử cung là khối u thường lành tính gặp ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh sả?. U phát triển từ lớp cơ tử cung, có thể khu trú để tạo thành nhân xơ tử cung hay đều khắp tử cung tạo u xơ tử cung.

Nhân xơ tử cung thường có giới hạn rõ nên có thể bóc tách và bảo tồn tử cung để duy trì khả năng sinh sản.

Nguyên nhân mắc bệnh UXTC? Hiện vẫn chưa rõ, nhưng giả thuyết cho rằng do cường nội tiết tố nữ (estrogen) được nhiều người ủng hộ. UXTC có thể gồm một hay nhiều u, đường kính thay đổi từ vài milimet đến vài chục centimet. Khó xác định được tỷ lệ UXTC vì nhiều khi khối u có kích thước nhỏ (vài milimet) nên không phát hiện được khi khám.

Tuổi xuất hiện: 30-50 tuổi. Không thấy có sự tương quan giữa UXTC và số lần có thai. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu nhận thấy tình trạng vô sinh ở các phụ nữ sẽ là điều kiện thuận lợi dẫn đến UXTC. Yếu tố di truyền không được ghi nhận.

Vị trí thường gặp của u xơ là thành tử cung, đôi khi nằm nhô hẳn ra ngoài hoặc xuống sâu vào lòng tử cung.

2. Dấu hiệu nhận biết u xơ tử cung

Ða số bệnh nhân đến khám vì bụng to hay có cảm giác trằn bụng dưới. Hoặc vì biến chứng của khối u như:

1. Chèn ép bọng đái, gây tiểu nhiều lần, tiểu khó, đôi khi bí tiểu.

2. Chèn ép lên niệu quản làm thận ứ nước.

3. Chèn vào trực tràng gây táo bón.

4. Chèn ép tĩnh mạch gây phù chi dưới.

5. Khối u to chèn vào ruột, dạ dày làm rối loạn tiêu hóa.

6. Xoắn gây hoại tử khối u làm đau dữ dội, nôn, toàn thân suy sụp, bụng trướng, chạm vào rất đau.

7. Xuất huyết âm đạo bất thường (kinh nhiều, kinh kéo dài, ra huyết giữa chu kỳ...), kéo dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe chung làm người bệnh mệt mỏi, chóng mặt (do thiếu máu) (do nhân xơ dưới niêm mạc hay khối u quá to).

8. Dễ gây sẩy thai.

9. Thời kỳ hậu sản dễ xảy ra hoại tử nhân xơ tử cung.

Ða số trường hợp không có triệu chứng, phát hiện nhờ khám định kỳ hay khám do khi có huyết trắng.

3. Nên làm gì khi bị u xơ tử cung?

Các xét nghiệm bổ sung:

- Siêu âm, khảo sát tính chất cơ tử cung, kích thước tử cung, vị trí nhân xơ tử cung.

- Nạo sinh thiết niêm mạc tử cung, phát hiện tổn thương đi kèm (tăng sản hay teo NMTC, polyp NMTC, ung thư NMTC...)

1/3 trường hợp UXTC không triệu chứng ở độ tuổi 40 - 45 sẽ đi vào thời kỳ mãn kinh và UXTC sẽ ít tiến triển thêm.

Nên mổ sớm trong những trường hợp sau:

- UXTC to dần lên (trên 8cm), vì lúc này u dễ có khả năng gây biến chứng chèn ép lên các cơ quan trong ổ bụng và dễ bị thoái hóa.

- UXTC có biến chứng: hoại tử, cường kinh, rong kinh...

- UXTC phối hợp với các thương tổn khác ở cơ quan sinh dục như: Sa tử cung, u nang buồng trứng, dị sản cổ tử cung...

UXTC dưới niêm mạc gây chảy máu hay nhiễm khuẩn.

4. Phẫu thuật như thế nào?

Có thể:

- Bóc UXTC

- Cắt tử cung toàn phần.

- Cắt tử cung toàn phần + 2 phần phụ.

KHỐI U BUỒNG TRỨNG

Buồng trứng là cơ quan rất quan trọng đối với người phụ nữ vì vừa có chức năng phóng noãn (trứng), vừa có chức năng nội tiết (Estrogen - Progesteron). Bình thường người phụ nữ có 2 buồng trứng nằm 2 bên tử cung, hình hạt, kích thước 3,5 x 2 x 1cm, nặng khoảng 8-15g. Buồng trứng có nhiều nang noãn. Số lượng giảm rất nhanh theo thời gian (thai nhi 20 tuần khoảng 15-20 triệu, bé sơ sinh 200.000-300.000, dậy thì 20.000-30.000...).

Khối u buồng trứng là bệnh khá phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng. Ở Mỹ, Canada, ung thư buồng trứng được xếp đứng hàng thứ 5 sau ung thư vú, đại tràng, cổ tử cung và thân tử cung. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở người độc thân, vô sinh, có mức sinh hoạt cao, chế độ ăn nhiều mỡ động vật. Nguy cơ ung thư buồng trứng tăng ở tuổi sau 40.

Khối u buồng trứng có 2 nguy cơ lớn: Biến chứng và thoái hóa ác tính. Trong đó ung thư buồng trứng là vấn đề rất đáng quan tâm vì thời gian sống thêm 5 năm không tới 30%.

- Khi chẩn đoán là khối u buồng trứng, bác sĩ phải chỉ định lấy u và xét nghiệm tổ chức mô học để có hướng điều trị và theo dõi tiếp.

Các xét nghiệm hỗ trợ:

- Siêu âm hình ảnh.

- Siêu âm Dopler màu.

- Ðịnh lượng CA 125, CA 15.3 trong máu.

1. Hoàn cảnh phát hiện khối u buồng trứng

Khối u buồng trứng thường không có triệu chứng gì rõ rệt. Phần lớn được phát hiện nhờ khám định kỳ hoặc khám vì lý do khác (vô sinh, rong kinh...).

U buồng trứng có triệu chứng khi quá to hay khi có biến chứng như:

- Chèn ép bọng đái, trực tràng, niệu quản.

- Xoắn: Gây đau đột ngột, dữ dội, buồn nôn, đôi khi choáng nên phải đi bệnh viện cấp cứu.

- Xuất huyết do vỡ: đau nhiều, vã mồ hôi, mạch nhanh, bụng gồng cứng.

- Nhiễm khuẩn: sốt, rét run, đau khắp bụng. Xảy ra sau khi xoắn nang.

- Có thai kèm u nang: có thể gây sẩy thai, sinh non, gây cản trở đường đi của thai (u tiền đạo).

- Ung thư: thường dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, bệnh nhân cảm thấy bụng to lên nhanh, cảm giác khó chịu, đôi khi có thể ra huyết âm đạo. Nếu đến muộn hơn thì toàn thân bị ảnh hưởng: gầy, ăn uống kém, phù hai chi, bụng căng to (có dịch trong bụng), đau.

- Phụ nữ sau khi mãn kinh có rong huyết, chất nhầy tử cung nhiều.

2. Phẫu thuật

- Bóc u nang buồng trứng.

- Cắt buồng trứng.

- Cắt phần phụ.

- Cắt tử cung và 2 phần phụ.

Kết luận: Khi phát hiện khối u buồng trứng, cần phẫu thuật khối u để biết độ lành - ác của nó với hy vọng cải thiện được tiên lượng bệnh (trong trường hợp ung thư).

Như vậy vấn đề khám phụ khoa định kỳ hàng năm đối với phụ nữ (cả độc thân và có gia đình) là rất quan  trọng, đặc biệt là với những đối tượng trên 40 tuổi. Khi đã mãn kinh, nếu có chỉ định cắt tử cung thì cắt cả 2 phần phụ.

Chú thích ảnh: U xơ tử cung.

Tags: dieu tri u xo tu cung , điều trị u xơ tử cung , dieu tri u nang buong trung , điều trị u nang buồng trứng , chua u xo tu cung , chữa u xơ tử cung , chua u nang buong trung , chữa u nang buồng trứng

Bình luận