Bệnh nhân gai cột sống (GCS) thường bị ám ảnh bởi những cơn đau dai dẳng. Bởi vậy, họ dễ có tâm lý nóng vội muốn chữa khỏi bệnh hoàn toàn mà tự ý áp dụng những biện pháp điều trị thiếu khoa học. Chính những sai lầm trong điều trị đó khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như: nhiễm khuẩn, tổn thương tủy sống,... thậm chí là tử vong.

Ở giai đoạn nhẹ, GCS thường không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi GCS tiếp xúc với các xương khác hoặc phần mềm ở xung quanh khớp (dây chằng, dễ thần kinh) thì sẽ gây đau tại vị trí mọc gai. Sau đó, cơn đau có thể lan tỏa xung quanh, gây cảm giác tê bì, tê tay chân,... Bước sang giai đoạn nặng, bệnh có thể gây đau tê ở cổ lan sang hai tay (gai đốt sống cổ); đau ở lưng, đau dọc xuống hai chân (gai đốt sống thắt lưng)... GCS làm giảm sút khả năng vận động của người bệnh, thậm chí là tàn phế.

Trước những ảnh hưởng do GCS gây ra, nhiều người có tâm lý muốn cắt cơn đau, sớm chữa khỏi bệnh hoàn toàn mà tùy tiện áp dụng một số biện pháp điều trị khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ. Những sai lầm đó thường khiến tình trạng bệnh nặng hơn, thậm chí là gặp phải một số biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như việc tự tiêm thuốc thẳng vào chỗ đau, có thể gây nhiễm khuẩn, tổn thương tủy sống, liệt,... Trong một số trường hợp, bệnh nhân uống các loại thuốc đông y trộn lẫn thuốc chống viêm giảm đau, không có nguồn gốc rõ ràng làm ảnh hưởng tới sức khỏe và gây tác dụng phụ như: viêm dạ dày, phù, loãng xương,... Bởi vậy, khi xuất hiện triệu chứng của GCS, bệnh nhân cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.


Thu Hương

(Theo daidoanket.vn)

 

Bình luận