Giải Nobel y sinh học 2008 được trao cho 3 nhà khoa học Âu châu: Harald zur Hausen (Đức), Françoise Barré-Sinoussi, và Luc Montagnier (Pháp). Giáo sư Hausen, 72 tuổi, thuộc Đại học Düsseldorf, được trao giải vì có công khám phá vi khuẩn gây ung thư cổ tử cung. Giáo sư Barré-Sinoussi, 61 tuổi, và Montagnier, 76 tuổi, thuộc Viện Pasteur và Đại học Paris có công khám phá HIV, được xem là một virút gây bệnh AIDS.

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư hàng đầu ở nước ta.  Theo thống kê (có lẽ chưa đầy đủ), tỉ lệ phát sinh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Việt Nam, nhất là ở các tỉnh phía Nam, còn cao hơn cả ung thư vú.  Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Việt Nam cao hơn tất cả các sắc dân Á châu khác như Phi, Thái Lan, Trung Quốc, và người Mĩ da trắng.  AIDS là một vấn nạn y tế cộng đồng mang tính toàn cầu.  Tính từ lúc bệnh được phát hiện vào năm 1981 đến nay đã có 25 triệu người trên thế giới chết, và 33 triệu người bị nhiễm HIV.  Giải thưởng Nobel năm nay lần đầu tiên ghi nhận các công trình nghiên cứu về ung thư cổ tử cung và AIDS.
Cũng cần nói thêm là năm 2005, hai nhà khoa học Úc (Barry Marshall và Robin Warren) được trao giải thưởng cao quí này do công trình nghiên cứu liên quan đến H. pylori.  Thế là trong vòng vài năm trở lại đây, các công trình nghiên cứu miễn dịch và virút được công nhận hơn là những công trình “thời thượng” như sinh học phân tử và di truyền học.
Giải thưởng Nobel được thiết lập theo di chúc của ông Alfred Nobel, trong đó ông viết rằng giải thưởng nên trao cho “những ai đã đem lại lợi ích lớn nhất cho con người.” Trong những năm mà nghiên cứu về di truyền và sinh học phân tử còn là “thời thượng”, có nhiều nhà nghiên cứu được trao giải Nobel.  Điều này dẫn đến nghi ngờ của giới y khoa là giải thưởng này không còn tuân theo hay phù hợp với ước nguyện của ông Nobel nữa, bởi vì nhiều công trình được giải chẳng có giúp ích gì cho bệnh nhân (chứ chưa nói đến “lợi ích lớn nhất”).

Nhưng vài năm gần đây, giải thưởng có vẻ được quay về thời của miễn dịch học.  Thật vậy, đến nay thì ai cũng có thể thấy các bệnh truyền nhiễm vẫn còn hoành hành thế giới.  Ở nước ta, bệnh truyền nhiễm vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho dân số.  Bệnh AIDS tuy chưa giết chết nhiều người ở nước ta, nhưng ở các nước Phi châu thì số người tử vong rất đáng lo ngại.  Tuy nhiên, bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ người Việt tương đối nhiều (cao nhất so với các sắc dân khác).  Do đó, trao giải thưởng cao quí này cho hai công trình về HPV và HIV theo tôi là rất xứng đáng và có ý nghĩa.

B.S Nguyễn Văn Tuấn
Theo ykhoa.net

Bình luận