Khi bị mụn trứng cá, tâm lý chung của hầu hết người bệnh là mong muốn tẩy sạch mụn trong thời gian ngắn bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, đây là bệnh ngoài da cần điều trị lâu dài mà không thể khỏi trong một hai ngày. Hơn nữa, việc nặn mụn hay tự ý dùng thuốc điều trị khiến mụn không đỡ, thậm chí càng làm cho làn da trở lên xấu xí, sần sùi, thâm sẹo,…

Theo PGS.TS Phạm Văn Hiển, Nguyên Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, mụn trứng cá do nhiều nguyên nhân khác nhau như: da nhờn, không được giữ gìn sạch sẽ, lạm dụng mỹ phẩm, nhạy cảm với tia tử ngoại và độ ẩm môi trường, các bệnh nội tiết, ký sinh trùng, dùng thuốc có corticoid, thuốc chống lao… Các nghiên cứu khoa học cho thấy, mụn ảnh hưởng đến 80% bạn gái tuổi dậy thì, 50% phụ nữ ở độ tuổi 20-29 và 25% phụ nữ ở độ tuổi 40-49.

Mụn được chia thành 2 loại: dạng không viêm (gồm mụn trứng cá đầu trắng, đầu đen, không đau) và dạng viêm (gồm mụn đầu đỏ, mụn mủ, nang, đinh râu, chốc lở,… gây đau, sưng, có mủ, khi bị vỡ có thể lan ra nhiều vị trí khác). Điều trị mụn trứng cá là một quá trình liên tục với mục đích ngăn chặn những đợt mụn mới. Những vết tích do mụn trứng cá gây ra cần được chữa lành và cải thiện theo thời gian. Khi bị mụn trứng cá, người bệnh phải kiên trì điều trị, tùy thuộc vào mức độ bệnh lý và tình trạng nhạy cảm da của từng bệnh nhân qua thăm khám trực tiếp mà bác sĩ chuyên khoa chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp, thậm chí có thể phải phối hợp nhiều phương pháp điều trị trên một bệnh nhân. Sau đợt tấn công hết mụn, cần điều trị duy trì để tránh mụn tái phát.

Bình luận