Bệnh trầm cảm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt dễ bắt gặp ở người già do sự thoái hóa sinh lý và bệnh lý ở tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thần kinh – tâm thần.

Khi về già, do sức khỏe suy giảm, không còn đủ năng động để chạy theo nhịp sống hiện đại, hay sự cô đơn sẽ khiến người cao tuổi rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Theo các chuyên gia, có tới 10% số người cao tuổi ở cộng đồng xuất hiện triệu chứng trầm cảm. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn nữa ở những người có hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như người già sống trong các trung tâm điều dưỡng. Ngoài ra, bệnh trầm cảm dễ xảy ra khi người cao tuổi mắc một số bệnh thực thể như: đái tháo đường, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, xương khớp... Các chuyên gia ước tính, ở những người cao tuổi có các bệnh lý như trên, tỷ lệ bị trầm cảm lên đến 20 – 35%.

tram-cam-o-nguoi-cao-tuoi

Ảnh minh họa.

Người già dễ mắc trầm cảm, tuy nhiên, những biểu hiện của bệnh tương đối phức tạp, thường thấy nhất là mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ đi kèm với quá trình lão hóa. Ngoài ra, họ còn có các biểu hiện khác như xa lánh vợ hoặc chồng, bạn bè, người thân, đau ốm liên miên, không hoạt bát, hay thất vọng, giảm trí nhớ, khó thích nghi với những thay đổi. Bệnh nhân cảm thấy ăn không ngon miệng, trọng lượng cơ thể thay đổi, khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, mệt mỏi, khó tập trung, tư duy khác thường và có những suy nghĩ tiêu cực. Trầm cảm ở người cao tuổi còn biểu hiện bởi sự rối loạn chức năng não đi kèm với quá trình lão hóa mà người ta thường gọi là bệnh Alzheimer.

Người cao tuổi cần được giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng cô đơn, trầm cảm. Để làm được điều này, nên tổ chức các cuộc dã ngoại, hướng người cao tuổi tự rèn luyện sức khỏe hoặc thường xuyên đưa họ đi thăm hỏi bạn bè, người thân. Nếu có thể, cần tạo điều kiện tiếp để người cao tuổi tăng khả năng vận động, giao tiếp với xã hội.

Võ Lệ

Bình luận